Pack đồ trek Everest Base Camp, bạn cần gì?

Tiếp sau bài “10 điều các bạn thường hiểu lầm về Everest Base Camp”, hôm nay mình tiếp tục chia sẻ về đồ đạc cần chuẩn bị cho 1 chuyến đi leo núi ở Nepal (Ở đây là EBC). Với các tuyến trek khác như ABC, Poon Hill thì cũng không khác nhau là mấy, bạn chỉ cần check lại số ngày đi leo để mang quần áo đầy đủ, tránh mang đồ thừa không cần thiết.
Tổng cộng chuyến đi trek EBC ở Nepal rồi đi bụi qua Ladakh-India của mình, mình chỉ mang 1 túi Osprey 45L, 1 balo daypack 20L, 1 túi máy ảnh. Tổng cộng đồ mình mang đi bụi, gửi hành lý là 15kg, thêm 2kg máy ảnh nữa là sẵn sàng lên đường.

Contents

1 số tips khi các bạn pack đồ:

– Luôn luôn tự hỏi bản thân mình là mình mang đồ này có “CẦN THIẾT” hay không? Mình có thể thay thế đồ dùng đó bằng gì không?
– Pack nhiều đồ mỏng sẽ tốt hơn pack đồ dày.
– Những đồ thấy mua không cần thiết, chỉ cần thiết cho việc đi leo thì đi thuê ở Kathmandu.
– Nếu thuê porter thì để họ xách những đồ ko cần thiết như quần áo của mình, mình chỉ cần mang đồ để cho balo day pack (Bao gồm thuốc+đồ ăn+đồ vệ sinh+nước, rất nhiều nước)
– Đồ chuẩn bị cho chuyến đi trek các bạn nên duy trì tầm 7-10kg (Bao gồm máy ảnh). Những đồ dùng không cần thiết mình khuyên nên để ở khách sạn. Quần áo mang ít đi lộn trái lộn phải đều mặc được vì lên trên đó bạn còn chẳng biết như thế nào là bẩn hay không, tắm cực kì ít. Thực chất bạn chỉ cần có 2 chiếc áo mặc để ngủ thôi còn quần áo mặc bên trong có thể phơi lên hôm sau mặc tiếp vẫn được.

Thôi trở về câu chuyện chính. Sau đây mình chia đồ ra thành các phần đồ quan trọng cũng như mình đã pack những gì trong chuyến đi cũng như kinh nghiệm sau khi đi.

PACK ĐỒ TREK EVEREST BASE CAMP, BẠN CẦN GÌ

1. Đồ dùng cần thiết:

2 đồ dùng cực kì cần thiết và với mình chắc chắn mình sẽ mua đồ có thương hiệu vì nó ảnh hưởng rất nhiều tới chuyến đi là giày và balo.

* Giày leo núi: Cần giày cao cổ, chống được nước. Các hãng giày leo núi bạn nên chọn là: Keen (mình mua giày của hang này vì giá ổn, và tới giờ chưa gặp vấn đề gì khi đi của hãng này), Salomon, The North Face, Kathmandu… Thường ở Việt Nam mình đi 1 dọc các shop bán đồ outdoor thì thường các đôi giày đều là giày cổ lửng, cổ thấp phù hợp với núi ở Việt Nam, rất hiếm giày cổ cao mà chất lượng mình coi thì không được tốt nên để an tâm thì đặt ở nước ngoài xách tay về. Yêu cầu cực kì cao là chống được nước nhé vì lên cao bạn cần đi trong tuyết thì 1 đôi không cao cổ và không chống được nước sẽ rất tệ. Ngoài ra đừng mua 1 đôi đúng size, nếu là giày leo núi thì mua rộng hơn size chân mình từ 1/2 cho đến 1 size vì leo núi mình sẽ đi tất rất dày, có lúc đi 2 tất và bàn chân sẽ tự to ra do nhiều ngày đi bộ. Nên nhớ “Giày thừa, dép thiếu” các bạn nhé!

* Balo: Bên cạnh 1 đôi giày tốt thì luôn cần người bạn đồng hành không kém phần quan trọng là blo. Vì với 1 chiếc balo không tốt bạn sẽ thấy việc leo núi khó khăn hơn do balo fake sẽ không có thiết kế hỗ trợ bạn leo núi mang đồ nặng làm bạn leo rất nhanh bị mệt. Còn 1 chiếc balo tốt sẽ trợ lực cho bạn rất nhiều.
Khi leo EBC thì sau chuyến đi mình nghĩ nên cần 2 loại balo là balo to 45L và 1 balo Daypack tầm 20-25L
Mình chọn Osprey để leo và thực sự rất ưng ý vì đi mình vác không hề bị nặng. Đi du lịch bụi mình đeo Osprey 45L nặng 15kg lên vai, trước ngực đeo daypack vẫn di chuyển sân bay hết sức bình thường nhé. Balo thì bạn có thể tham khảo qua KTMart hoặc chị Nga để mua nha.
Balo Daypack: nhỏ và áp sát vào lưng thì càng tốt. Balo này để mang trong quá trình leo núi, để được bình nước, 1 số vật dụng cá nhân tiền bạc, máy ảnh các thứ.
Số cân TB để xách tầm 5-7kg bao gồm cả máy ảnh. Trước mình xách đống đồ, xong sau thở như chó nên phải ném đồ bớt cho porter xách lên.

2. Quần áo

* Áo nên mặc nhiều lớp bạn sẽ thấy ấm hơn và dễ dàng cởi đồ trên đường hơn=)). Quy tắc để mặc đồ khi leo núi là bạn không cần mang 1 cái áo khoác to sụ, cái chính là mặc nhiều lớp sẽ ấm hơn rất nhiều.

Áo giữ nhiệt/áo phông dài tay: Lớp áo trong cùng này là lớp áo giữ nhiệt bó sát vào cơ thể của bạn. Lớp áo giữ nhiệt này bạn có thể mua ở M2 hoặc Uniqlo mình thấy nó giữ nhiệt tốt nhất. Mình mang áo giữ nhiệt đi tầm 3 cái (Mặc xong lại cởi ra phơi để mai mặc đi đường tiếp=)). (Xin lỗi sống bẩn nhưng trên đó bẩn hay ko thì cũng chẳng ai quan tâm, đến tắm còn khó nữa là…. Cứ trung bình 1 chiếc áo mặc trong 3 ngày, để 1 cái áo sạch để mặc buổi tối đi ngủ.)

Áo phông ngắn tay(optional): Mặc bên ngoài lớp áo giữ nhiệt. Đặc điểm không bó sát, rộng thoáng mát. Số lượng 1-2 cái.

Áo nỉ nhẹ giữ ấm: áo này mình mang 2 chiếc. Đặc điểm là nhẹ, size to mặc ko bó. Áo này mặc lớp giữa nên không sợ bẩn. Mang 1 chiếc mặc cũng được.

Áo gió: Lớp áo này là lớp áo cuối cùng. Đặc điểm: không cần dày, chỉ cần tránh được gió và nước. Mình mang áo gió đi là áo gió 1 lớp, mỏng nhưng không thấm nước, không bị gió lùa rất ổn.

*** Đường đi EBC có đặc thù là: đi ở dưới thì rất nóng nhưng càng lên cao thì càng lạnh. Bạn đang ở Namche Bazaar với nhiệt độ tầm 10 độ C, lên tới Gorak Sheep thì có khi nhiệt độ rơi xuống -20 độ là chuyện hết sức bình thường nên hãy chuẩn bị quần áo từ hè sang đông nhé.

* Quần: Tuỳ vào độ cao bạn có thể mặc quần sao cho phù hợp. Ở độ cao thấp thì mặc quần nối ống có thể tháo ống ra được đi lại cho tiện lợi. Lên cao thì quần cần dày hơn tí xíu, chất liệu chống được nước và gió. Lưu ý nên để quần dài qua mắt cá chân để che chân cho đỡ lạnh. Số lượng: 2-3 chiếc.

Ngoài ra có thể mang theo quần giữ ấm thuộc dạng quần mỏng để thay ra mặc buổi đêm hoặc nếu bạn không chịu được lạnh thì mặc quần này bên trong, bên ngoài mặc quần gió. Bạn nữ có thể xài quần legging. Mang 1-2 cái để mặc đi ngủ.

* Tất: mang 3 đôi tất mỏng và 2 đôi tất dày đến đầu gối giữ ấm. Quy tắc khi đi ngủ là bạn làm thế nào thì làm luôn phải giữ ấm chân không sẽ không thể ngủ được.

* Quần áo lót: Tuỳ vào nhu cầu thay của bạn;) Suggest cho các bạn nữ nên mua quần lót giấy đỡ phải giặt, xài xong trong 1 ngày có thể vất đi luôn.

* Găng tay: mang 1 găng tay lót và găng tay dày chống gió. Thường mình xài 1 lớp găng tay lót để dễ di chuyển hơn găng tay dày nhưng găng tay dày lại sử dụng rất tốt nếu đi lên cao gặp núi có gió lạnh.

* Kính: Ko cần mua kính xịn nhưng chắc chắn phải có là kính râm, nên mang 2 cái phòng trừ trường hợp…gãy 1 cái vì lên trên núi nắng sẽ rất gắt, gặp tuyết cũng sẽ rất dễ bị loá mắt.

* Khăn đa năng: mình dùng khăn đa năng để làm khẩu trang và giữ ấm cổ, nên mang dự phòng 2 cái. Là đồ cần thiết phải mang nha. Ngoài ra cần thêm 1 khăn vuông mỏng để buộc đầu và che tai

* Mũ: mang 2 loại mũ: mũ len 2 lớp chum đầu và tai, mũ lưỡi chai che nắng.

***Riêng đồ dùng quần áo ngoài mình không cần chọn đồ hiệu gì cả, mặc vẫn rất ổn. Thường mình vẫn chọn mua đồ ở Umove và mua được đúng lúc giảm giá. Giờ vẫn xài vô tư nha.

3. Túi đồ vệ sinh:

* Giấy ướt (SL: 2 bịch giấy ướt)-> Cực kì cần thiết vì mình thấy nó rất hữu dụng. Từ Namche Bazaar là các bạn khỏi tắm vì tiền tắm rất đắt, bản thân còn quá lười để tắm thì tốt nhất để lau người, vệ sinh cá nhân thì dùng giấy ướt.
* Rửa tay (SL:1)-> cũng cần kíp như khăn giấy. Càng lên cao nước càng lạnh và thường thì nước ở guesthouse sẽ đóng băng nên nếu bạn muốn rửa tay thì dung nước rửa tay khô hoặc xài sang hơn là mua nước mà rửa tay.
* Dầu tắm+gội đầu->mang thành gói và mang ít thôi vì gội đầu bạn chỉ gội đầu được 2 lần Gợi ý các bạn nữ khi đi leo nên cắt tóc cho nó ko dài dễ gội đầu hơn). Tắm cũng vậy)
* Khăn tắm: mang 1 khăn mỏng, nhỏ vừa là khăn tắm vừa khan để trải ra cái gối vì mình không tin sự sạch sẽ trong guesthouse cho cam….
* Kem chống nắng: Cực kì cực kì cần thiết, vì bạn không muốn cháy nắng khi leo EBC đâu. Chọn kem chống nắng chỉ số SPF 50 là tốt nhất.
* Kem nẻ: cũng cực kì cần thiết và đừng có quên. Có 2 loại là kem nẻ dung để bôi môi và kem dưỡng da tay. Kem bôi môi có thể mua của hang Himalayas ở Kathmandu giá siêu rẻ.
* Lược chải đầu
* Kem đánh răng+bàn chải

4. Đồ để ngủ:

* Túi ngủ: nếu bạn không hay đi leo núi thì bạn có thể thuê ở Kathmandu. Còn mình thì hay đi trek và cắm trại nên có mang túi ngủ cá nhân ở nhà đi. Túi ngủ này có đặc điểm không cần giữ ấm quá vì ở guesthouse có chăn rồi, cái này là để bạn ngủ tránh bị bẩn vì chăn gối ở guesthouse không sạch sẽ đâu…
* Gối: có thể dung gối ở guesthouse, tuy nhiên nên lót 1 lớp khăn để tránh bẩn đầu hoặc mang gối nhỏ của mình đi cũng được.
* Tấm giữ nhiệt: bạn có thể mua tấm giữ nhiệt dán ở bụng và chân để giữ ấm buổi đêm không bị lạnh.
* Che mắt và bông gòn bịt tai
* Dép đi trong nhà (Dép lê hoặc xỏ ngón)

5. Đồ điện:

* Camera: tất nhiên là phải mang để chụp rồi. Tuy nhiên nếu là con gái thì mang máy nhỏ mirrorless, xài lens 35mm và thêm 1 lens góc rộng. Mình bữa trước mang lens 35 đi chụp hơi bị tù. Tốt nhất mang được con lens zoom 24-70mm là tốt nhất.
* Sạc dự phòng: lên trên sạc điện thoại khá đắt nên mình mang 3 cái sạc dự phòng 10.000mAh hoặc bạn có thể mang 2 cái sạc dự phòng 20.000mAh.
* Pin máy ảnh dự phòng. SL: 2
* Ổ cắm điện đa năng, dây sạc điện thoại, SL:1.
* Máy Kindle dung để đọc sách giết thời gian vì khoảng thời gian rảnh rỗi sau khi leo hết 1 ngày bạn có rất nhiều.
* Điện thoại smartphone kèm sim card NCell cài 3G, mua gói 2GB xài thoải mái hoặc nhu cầu của bạn nếu hơn thì là 3GB

6. Đồ ăn:

Chủ yếu là kẹo ngậm, energy bar, kẹo chocolate, nho và các thể loại hạt khô ăn cho vui mồm.
Có thể mang thêm trà và café nếu thấy cần thiết.
Mỳ tôm: thích thì mang, mình thì không khoái mỳ tôm lắm và lên núi vẫn ăn được nên thôi khỏi (Quá lười để nấu)

Đồ cơ bản chỉ có vậy. Còn lại tuỳ thuộc vào nhu cầu mà có thể mua thêm.

***Ngoài ra còn 1 phần hết sức quan trọng đó chính là vấn đề thuốc, đồ dung y tế bao gồm:

+Thuốc giảm đau. Có thể mua Mofen hoặc Alaxan
+Thuốc bôi giảm đau chân, xoa bóp. Có thể mua Voltaren, Arnican hoặc Salonpas
+Thuốc chống phù nề
+Thuốc nhiệt, thuốc đau bụng
+Thuốc cảm, thuốc giảm sốt
+ Thuốc chống shock độ cao. Cực kì cần thiết. Sử dụng Acetazolamid và Alphamethason-DHT (Ra ngoài hiệu thuốc hỏi và bảo người ta ghi cách dùng, uống trước khi leo tầm 1-2 ngày)
+Thuốc giãn cơ Myonal
+ Băng keo chống phồng rộp chân

*** Các giấy tờ cần thiết phải mang khi leo:

+Passport: mang theo 1 bản photo
+Ảnh 3×4, 4×6: Có thì vẫn hơn và dung để làm visa Nepal.
+Bảo hiểm: Nhớ số bảo hiểm của mình
*Dành cho các bạn tự túc leo thì nhớ có TIMS Card (Trekker Information Management System). Cái này bạn tới Nepal Tourism Board office để kiếm, còn đi tour thì người ta tự chuẩn bị cho mình rồi, kèm theo Sagarmatha National park permit nếu đi vào vùng Everest nhé.
+Tiền mặt: mang tiền đô hoặc tiền Nepal. Đổi sang USD rồi ở Kathmandu có thể đổi tiền sau.

*** 1 số đồ cần thiết khác:

-Dao đa năng: mình vẫn dùng con Victorinox loại Climber. Đơn giản vì dao thì không nên mua rẻ sau khi xem film 127 hours. Chọn climber vì nó có thêm cái…kéo để cắt móng chân.
-Gậy leo núi: nên mang gậy leo núi, mang 2 chiếc cũng okay. Tuy nhiên mình chỉ mang 1 chiếc cũng đủ di chuyển rồi.
-Túi nilon để quần áo bẩn.
-Túi bọc balo
-Tai nghe để nghe nhạc trên đường mỗi lúc mệt.
——————————————————–

Đây là list đồ mình đã mang trong quá trình đi trek, các bạn có thể tham khảo và nếu có gì chưa rõ hoặc bổ sung thêm, rất mong các bạn có thể comment để mình có thể bổ sung.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của mình, like hoặc share nếu thấy có ích nha;)

3 COMMENTS

  1. Cám ơn bài viết của Ken Nguyen, bạn cho mình hỏi chút về đôi giày Keen, bạn mua ở đâu đó? Mình tìm mãi mà ko thấy chỗ nào bán hàng chính hãng á.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here