Oriberry Coffee – Phát triển cà phê bền vững từ nông trại đến từng ly cà phê

0
3603
Oriberry Coffee
Oriberry Coffee

Oriberry Coffee là thương hiệu cà phê khá lâu đời ở Hà Nội cung cấp hạt và phục vụ cà phê pha máy. Bắt đầu mở từ năm 2009 tới nay, Oriberry đã có một chỗ đứng không nhỏ và là địa chỉ tin cậy với các bạn yêu thích cà phê pha máy rang mộc ở Hà Nội với 04 cửa hàng tại 21 Xuân Diệu, 36 Ấu Triệu, 23-25 Đặng Tiến Đông và số 1 Phạm Sư Mạnh. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau thương hiệu Oriberry là câu chuyện về sự nỗ lực không ngừng của một doanh nghiệp xã hội hợp tác trực tiếp với các nhóm nông dân để đưa ra giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững ở Việt Nam.

Vậy câu chuyện đằng sau thương hiệu Oriberry là gì và lý do tại sao mình cực kì yêu thích nó, hãy nghe mình kể chuyện nhé!

  1. Contents

    NHỮNG HẠT CÀ PHÊ ĐƠN GỐC

Oriberry Coffee
Bên ngoài quán cà phê Oriberry Phạm Sư Mạnh

Oriberry là từ ghép của 2 từ Original và Berry. Quán không chỉ là một nơi để uống cà phê mà cửa hàng hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội. Mục tiêu của Oriberry là đưa ra giải pháp giảm xoá đói, giảm nghèo ở các khu vực nông thôn miền núi thông qua việc tạo ra những cơ hội giúp người sản xuất tham gia vào chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu địa phương và liên kết họ tới thị trường thông qua các mạng lưới của mình. Có thể nói Oriberry xây dựng một chu trình làm cà phê khép kín: Từ việc kiến tạo việc làm cho nông dân, nâng cao chất lượng cà phê bằng cách xây dựng và kiểm soát quy trình trồng đồng thời đảm bảo đầu ra cuối cùng cho các sản phẩm bằng cách bán hạt cà phê, đồ uống trực tiếp tại quán với thương hiệu Oriberry.

2. XÂY DỰNG NHẬN THỨC NGƯỜI DÙNG

Bên cạnh việc hỗ trợ người nông dân bằng phương pháp canh tác, sản xuất phù hợp nhất với địa phương, một trong những vấn đề được nêu lên là việc đầu ra cho sản phẩm: “Làm sao bán được sản phẩm hạt cà phê chất lượng cao ra ngoài thị trường?”. Ô hay, tại sao lại có chuyện ngược đời vậy? Tại sao sản phẩm tốt lại bán khó hơn sản phẩm với chất lượng kém hơn trên thị trường? Chuyện đó nghe tưởng chừng phi lý nhưng vẫn xảy ra với thị trường cà phê tại Việt Nam. Hạt cà phê tốt đồng nghĩa với việc giá bán cao hơn. Tuy nhiên với mặt bằng chung cũng như thị hiếu và khẩu vị của khách hàng vẫn ở mức tầm trung thì đối với làm sao có thể nhập hạt với giá cao hơn?

Oriberry Coffee

Oriberry Coffee ban đầu được khách nước ngoài ưa chuộng hơn khách Việt Nam. Đó là lý do ba cửa hàng đầu tiên là Indigenuous mở ở tuyến phố cổ – 36 Ấu Triệu. Trước Indigenuous là nơi giới thiệu, bày bán cà phê, trà và các sản phẩm thủ công địa phương xong sau đổi tên lại thành Oriberry bán thêm đồ uống cà phê cho khách; quán thứ hai nằm trên phố Mã Mây với diện tích nhỏ được làm theo hình thức phục vụ cà phê mang đi (đã đóng cửa). Tiếp sau là cửa hàng nằm trên phố Tây 25 Xuân Diệu (Nay chuyển lên 21 Xuân Diệu), trước là nơi cung cấp hạt cho các quán cà phê pha máy kiểu Ý ở Hà Nội và cũng là nơi bán đồ uống trực tiếp tới khách hàng.

Còn khách Việt nghĩ sao về Oriberry Coffee?

Oriberry Coffee là một trong những quán cà phê pha máy rang mộc đầu tiên ở Hà Nội với hạt chủ yếu là hạt cà phê Arabica Single Origin những năm 2009. Tại thời điểm đó, “cà phê rang mộc pha máy” vẫn còn hoàn toàn xa lạ với khách hàng Việt Nam. Một phần vì cà phê pha máy còn mới lạ, một phần vì khẩu vị người Việt Nam vẫn thích vị cà phê đắng đậm nên cà phê Arabica đợt đó chỉ phù hợp với người nước ngoài. Nhưng thay đổi nhận thức người dung là một quá trình, nó kéo dài nhưng có thể thực hiện được. Oriberry Coffee bên cạnh việc bán cà phê cũng không ngừng nỗ lực đưa thông tin, chia sẻ tới các nhóm về cà phê mọi người có thể hiểu thêm hơn về cà phê…Oriberry dần có được lượt khách quen hàng ngày (Tin mình đi, chỉ cần bạn biết, thử và uống rồi thì sau rất khó có thể về gu cà phê ban đầu. Mình cũng gặp rất nhiều anh/chú, các chị ngồi ở Oriberry Coffee 3-4 năm nay, ngày nào cũng ngồi uống cà phê tại quán).

Oriberry Coffee
Ngồi cà phê vỉa hè nghe nhạc, hút tẩu là hình ảnh quen thuộc tại quán

3. NÓI CHUYỆN VỀ HẠT CÀ PHÊ ORIBERRY NÀO!

Cà phê tại quán được bán khá đa dạng, bao gồm blend và single origin. 2 loại đều được ghi trên nhãn bằng các số hiệu và tích dấu 5 vùng mà cà phê được trồng: Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Lâm Đồng.

Cà phê single origin của Oriberry hầu hết từ vùng Quảng Trị (Khe Sanh Arabica) hoặc Lâm Đồng (Đà Lạt Arabica). Các dòng blend thì được đánh bằng số và tick 2 vùng blend lại với nhau.

Hiện tại ở Oriberry có 3 dòng blend:

  • Oriberry 64: blend Robusta và Arabica ở 2 vùng cà phê khác nhau, rang mức Dark Roast (60% Quảng Trị, Khe Sanh Arabica + 40% Daklak Robusta)
  • Oriberry 73: hạt arabica tại Quảng Trị được blend 2 mức rang khác nhau (70% Dark Roast + 30% Dark Medium Roast)
  • Oriberry 82 Blend Arabica 2 vùng, rang mức Dark Medium Roast (80% Quảng Trị + 20% Điện Biên)

(Cá nhân mình đọc thấy hơi khó hiểu, bạn có thể nhờ nhân viên để được tư vấn kĩ hơn hoặc đọc coffee profile để ở quán).

Oriberry Coffee
Coffee Profile tại Oriberry

Về cà phê tại quán, Oriberry Coffee phục vụ 2 loại blends cho espresso: Oriberry 64 – blend 40% Daklak Robusta và 60% Khe Sanh Arabica; Oriberry 73 thuần Arabica. Vị ở cà phê Oriberry thực sự rất riêng và gây nghiện một cách nhẹ nhàng. Khi uống quen miệng ở quán thì rất khó để có thể sang quán khác. Một phần có thể do chu trình cà phê khép kín nên cà phê được pha rất ổn định.

Một điều mình yêu thích quán nữa là quán cà phê hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội nên quán rất chú trọng tới yếu tố bảo vệ môi trường như sử dụng ống hút giấy thay vì ống hút bình thường, nếu bạn mang cốc của mình tới quán sẽ được giảm 5k/cốc (chỉ dành cho take-away). Ngoài ra, bên cạnh bán các sản phẩm về cà phê, Oriberry cũng trưng bày, bán các sản phẩm “Made in Vietnam” như đồ gốm sứ Bát Tràng, kẹo socola, mứt địa phương…

Oriberry Coffee
Uống cà phê đọc sách ở Oriberry Ấu Triệu

Để nói về không gian quán thì 4 quán có diện tích khá đa dạng. Ấu Triệu với diện tích quán nhỏ, phù hợp với take-away hay ngồi ngoài đường hơn, Phạm Sư Mạnh là quán mình ngồi nhiều nhất vì gần phố, ghế ngồi phù hợp để làm việc và nhiều ánh sáng, Xuân Diệu mới quán rộng rãi và có 3 tầng, phù hợp với khách nước ngoài tới ngồi làm việc, không gian quán cũng tối giản, nhiều ánh sáng và có ban công nhìn ra Hồ Tây rất đẹp. Đặng Tiến Đông thì vì lý do hơi xa nhà nên chưa có dịp ghé qua nhưng nhìn chung các quán Oriberry Coffee đều rất thân thiện với khách.

Như để kết thúc 1 câu chuyện về Oriberry tương đối dài, mình xin trích một đoạn giới thiệu ngay trên trang chủ website của Oriberry Coffee:

“Chúng tôi tin tưởng rằng mọi người đều có quyền được tiếp cận những cơ hội giúp họ phát huy tối đa năng lực trong việc tham gia vào quá trình ra quyết định ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của họ. Sứ mệnh của Oriberry là nâng cao năng lực của những người đang trực tiếp đối mặt với những khó khăn; tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính phủ và khối doanh nghiệp để có sự tham gia tốt hơn ở mọi cấp độ xã hội. Qua hoạt động kinh doanh của mình, Oriberry tạo ra những cơ hội giúp người sản xuất tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị, tạo dựng thương hiệu địa phương và liên kết họ tới thị trường thông qua các mạng lưới của mình.”

“Nông dân và người sản xuất nhỏ có cuộc sống tốt hơn khi họ tham gia nhiều hoạt động tạo giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng cà phê. Bằng cách thúc đẩy người nông dân, nhà sản xuất nhỏ khởi tạo, xây dựng và làm chủ thương hiệu địa phương, Oriberry tin tưởng rằng những cơ hội về việc làm và thu nhập cho cộng đồng trong tương lai sẽ do chính người dân địa phương tạo ra.”

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here