Cà phê Sài Gòn: Thưởng thức cà phê luôn là một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân Sài Gòn. Nhắc tới Sài Gòn là nhắc tới tứ xứ hội tụ, không biết có phải vậy không mà ngay cả những cốc cà phê cũng ảnh hưởng từ chính phong cách con người nơi đây: mang tính đa dạng, dân dã của mình vào từng ly cà phê thưởng thức hàng ngày.
Và giờ, chúng ta cùng thử khám phá những câu chuyện xung quanh người Sài Gòn bắt đầu từ những ly cà phê phin đến vợt.
Contents
Văn hoá Sài Gòn trong tách cà phê phin
Cà phê phin với những giọt cà phê chầm chậm rơi như đồng hồ cát chảy xuống đáy cốc là hình ảnh không còn xa lạ ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu hơn, ta bỗng ồ à nhận ra mỗi vùng miền khác nhau lại có cách pha chế, phục vụ cà phê hoàn toàn riêng biệt. Tất nhiên, Sài Gòn cũng không hề ngoại lệ.

Vậy ly cà phê phin Sài Gòn có gì đặc biệt?

Riêng cà phê Sài Gòn, chỉ cần bạn gọi “Chú ơi con cốc cà phê!” là chủ quán sẽ tự nhiên phục vụ cà phê đen với một bát rất nhiều đá bên cạnh. Khác với cà phê Hà Nội phục vụ ở cốc thuỷ tinh thấp miệng rộng thì ở Sài Gòn luôn được phục vụ với cốc cao: tỉ lệ 1/3 là cà phê và 2/3 còn lại sẽ là đá (Nếu gọi cà phê sữa đá). Lý do đơn giản chỉ là Sài Gòn nắng nóng quanh năm nên cà phê trở thành một món nước uống “Giải khát” theo đúng nghĩa đen. Người Sài Gòn hảo ngọt nên cà phê đen luôn được bỏ thêm đường, cà phê sữa cũng được cho rất nhiều sữa so với miền Bắc. Ngoài ra, ngồi cà phê Sài Gòn luôn được tặng thêm ấm trà đá bên cạnh như điều vốn dĩ, nhưng ở Hà Nội để có được một cốc trà đá hoặc nước lọc, người uống bắt buộc phải gọi thêm. Những ly cà phê Sài Gòn dù là cà phê phin mang âm hưởng chậm rãi nhưng trong đó vẫn mang phong cách phục vụ hết sức nhanh và người uống cũng rất nhanh, đặc sệt chất Sài Gòn.
Thức uống quá vãng Sài Gòn xưa: Cà phê Vợt

Hơn 80 năm về trước, không phải cà phê phin thống trị Sài Gòn như bây giờ mà là cà phê vợt. Có thể nói cà phê vợt chính là sự giao thoa giữa văn hoá Trung Hoa và văn hoá Sài Gòn, bắt nguồn từ những người dân lao động gốc Hoa quận 5 rồi lan toả khắp Sài Gòn. Cà phê vợt trước vốn chỉ dành cho người dân lao động, người bình dân thời xưa sẽ ngồi uống nhanh cốc cà phê vợt có mùi khen khét, nhạt nhoà và cà phê phin lúc đó chỉ dành cho giới ghiền cà phê thuộc tầng lớp trung lưu xưa. Ai mà có thời gian ngồi đợi từng giọt cà phê phin rơi xuống cốc cơ chứ? Nhưng sau, vì điều kiện kinh tế đi lên, dân Sài Gòn bắt đầu chuộng cà phê phin đậm đà hơn nên cà phê vợt thoái trào từ đó. Hiện tại, ở Sài Gòn giờ chỉ còn 2-3 quán cà phê vợt như để níu kéo, lưu giữ một góc Sài Gòn xưa.
Khác với phin, cà phê được cho vào vợt làm bằng tấm vải trắng có thể sử dụng nhiều lần, ủ trong ấm đun sôi rồi bắc ra, tiếp đó đổ cà phê qua ấm sắt Tây, cuối cùng mới đổ ra cốc để uống. Cà phê pha bằng vợt có vị nhẹ nhàng hơn cà phê phin, đến ngay cả trẻ con cũng có thể uống được nên ngày xưa còn được coi là điểm tâm sáng cùng với bánh giò cháo quẩy.

Quán cà phê vợt cũng là nơi sản sinh ra món bạc sỉu – thức uống được coi là một phần di sản của thị phố. “Bạc sỉu” là từ bắt nguồn từ “Bạc tẩy xỉu phé” nghĩa là “Sữa nóng thêm chút cà phê”. Để thưởng thức món “Bạc sỉu” đúng nghĩa, chấm miếng bánh tiêu, cháo quẩy như xưa thì hãy thử qua quán cà phê Cheo Leo – Quán cà phê vợt lâu đời nhất Sài Gòn.
Cà phê Cheo Leo được mở từ năm 1938 ở khu Bàn Cờ (quận 3), cho tới nay vẫn là nơi lui tới của những ai thèm không khí Sài Gòn xưa. Cô Nguyễn Thị Sương là con gái thứ 3 của ông Vĩnh Ngô – người mở quán Cheo Leo này, vẫn đang tiếp quản để gìn giữ truyền thống này. Khác với các quán cà phê vợt kho bằng ấm nhôm inox thì ở Cheo Leo vẫn kho bằng siêu đất để ngâm được lâu hơn, mang lại hương vị đỡ nhạt nhoà hơn cà phê sử dụng ấm nhôm.
Bên cạnh cà phê Cheo Leo, rảo bước tới cà phê vợt ở đầu hẻm 330 Phan Đình Phùng . Quán đã mở được trên 50 năm, qua 3 đời nay và chưa một ngày nào ….đóng cửa. Khách của quán chủ yếu là những bác trung niên mỗi sáng ngồi cùng người bạn già bên ly cà phê quen thuộc, ngồi ôn chuyện cũ bên hương vị cà phê vợt tưởng như quá vãng nhưng vẫn muốn níu giữ lại những điều đã qua. Dường như cuộc sống có thể thay đổi nhưng hương vị cà phê vợt luôn còn mãi trong lòng người xưa cũ thách thức thời gian.
Thưởng thức cà phê theo phong cách người Sài Gòn
Khắp các hang cùng ngõ hẻm cho đến đường lớn ở thành phố, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh quán cà phê gắn bó trong đời sống thường nhật của người Sài Gòn bao nhiêu năm qua.
Quán cà phê ở Sài Gòn mọc lên như nấm sau mưa. Chỉ cần nghĩ tới việc đến hết các quán cà phê ở vùng đất này cũng phải mất cả đời người chứ không ít. Ấy vậy mà những quán cà phê chả bao giờ vãn khách cả. Cũng phải thôi vì từng tách cà phê gắn bó với cuộc sống của người Sài Gòn bất kể ngày đêm, bất kể vị trí ngõ hẻm, bất kể dịp gì.

Ở Sài Gòn, bạn có thể uống cà phê từ sáng tới tối, có thể ngồi quán cà phê vỉa, cóc, bệt giá từ 10,000 VNĐ/cốc cho tới những quán cà phê phóng cách trẻ trung hơn, những quán cà phê nhạc live dành cho giới trẻ, cà phê đặc sản với cốc cà phê có thể lên tới 150,000 VNĐ/cốc…
Bạn có thể thưởng thức cà phê như việc đang đi trên đường tạt vội vào một quán nước mua cốc cà phê, uống vội một hơi rồi đứng dậy đi làm tiếp, hội trẻ thì ưa ngồi vỉa tán dóc với bạn bè; các bác trung niên thì vẫn ưa thích nhấm nháp cốc cà phê phin, dăm ba điếu thuốc với ông bạn già ngồi nói chuyện hàng ngày, cập nhật tin tức báo ngay tại góc hẻm cà phê nhà mình… Ở Hà Nội chắc chỉ có trà đá vỉa hè mới là nơi bắt đầu câu chuyện nhưng ở Sài Gòn phải là cà phê sữa đá ngồi ở vỉa, hay ngồi bệt trên một góc phố nào đó. Uống xong, buôn chuyện xong rồi đi, quan trọng nề hà chuyện gì đâu?
Thế là cuộc sống của người Sài Gòn cứ xoay quanh cốc cà phê như vậy, rộn ràng không ngừng nghỉ như vậy đó. Người Sài Gòn rất tự hào và trân trọng về những cốc cà phê thưởng thức hàng ngày bởi nó còn là những kí ức xưa cũ, những giá trị sâu sắc cần được lưu giữ. Trong từng cốc cà phê dường như cũng là sự kết nối giữa người với người, những câu chuyện đời thường được chia sẻ, là sự gắn bó, một phong cách sống, một thú chơi và hay chăng một nốt lặng bình yên giữa vòng xoáy của cuộc sống Sài Gòn thị thành nhộn nhịp.